Return to previous page

Tag Nhiên liệu sạch

Trước tốc độ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay việc sử dụng nhiên liệu sinh học được nhận định là xu hướng tất yếu. Công cuộc phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam chính là để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Điều này góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Để tìm hiểu về nguồn nhiên liệu sạch đang được khai thác và sử dụng hiện nay, cùng xem những chia sẻ từ Công ty CNG Việt Nam qua bài viết bên dưới. 

Nhiên liệu sinh học

Nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật

Nhiên liệu sinh học là gì?

Nhiên liệu sinh học là những nhiên liệu có nguồn gốc từ các vật liệu sinh khối như củi, gỗ, rơm, trấu, phân và mỡ động vật… nhưng đây chỉ là những dạng nhiên liệu thô. Nhiên liệu sinh học dùng cho giao thông vận tải chủ yếu gồm:

  • Các loại cồn sản xuất bằng công nghệ sinh học để sản xuất ra Gasohol (Methanol, Ethanol, Buthanol, nhiên liệu tổng hợp Fischer Tropsch)
  • Các loại dầu sinh học để sản xuất diesel sinh học (dầu thực vật, dầu thực vật phế thải, mỡ động vật).

Ưu nhược điểm của nhiên liệu sinh học

Trong tương lai, khi nguồn nhiên liệu truyền thống cạn kiệt, nhiên liệu sinh học có khả năng là nguồn thay thế. Loại nhiên liệu này có nhiều ưu điểm nổi bật so với các loại nhiên liệu truyền thống (dầu khí, than đá…):

  • Tính chất thân thiện với môi trường: chúng sinh ra ít hàm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính (một hiệu ứng vật lý khiến Trái Đất nóng lên) và ít gây ô nhiễm môi trường hơn các loại nhiên liệu truyền thống.
  • Nguồn nhiên liệu tái sinh: các nhiên liệu này lấy từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và có thể tái sinh. Chúng giúp giảm sự lệ thuộc vào nguồn tài nguyên nhiên liệu không tái sinh truyền thống.

Tuy nhiên hiện nay vấn đề sử dụng nhiên liệu sinh học vào đời sống còn nhiều hạn chế do chưa hạ được giá thành sản xuất xuống thấp hơn so với nhiên liệu truyền thống.

Xăng sinh học

Nhiên liệu sinh học có tính chất thân thiện với môi trường và là nhiên liệu tái sinh

Phân loại nhiên liệu sinh học

Dựa vào tính chất, thành phần chúng ta có thể phân loại nhóm nhiên liệu sinh học thành 3 loại chính: nhiên liệu lỏng, khí sinh học, nhiên liệu sinh học rắn

Nhiên liệu lỏng

Bao gồm Bio-metanol, Bio-ethanol, Bio-butanol… Trong số các dạng nhiên liệu sinh học này, Bio-ethanol là loại nhiên liệu thông dụng nhất hiện nay trên thế giới vì có khả năng sản xuất ở quy mô công nghiệp từ nguyên liệu chứa đường như mía, củ cải đường và nguyên liệu chứa tinh bột như ngũ cốc, khoai tây, sắn…

Khí sinh học (Biogas)

Biogas hay khí sinh học là hỗn hợp khí methane (CH4) và một số khí khác phát sinh từ sự phân huỷ các vật chất hữu cơ trong môi trường yếm khí. Thành phần chính của Biogas là CH4 (50-60%) và CO2 (>30%) còn lại là các chất khác như hơi nước N2, O2, H2S, CO, … được thuỷ phân trong môi trường yếm khí, xúc tác nhờ nhiệt độ từ 20-40ºC, do đó có thể sử dụng biogas làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong. Để sử dụng biogas làm nhiên liệu thì phải xử lý biogas trước khi sử dụng tạo nên hỗn hợp nổ với không khí. Khí H2S có thể ăn mòn các chi tiết trong động cơ, sản phẩm của nó là SOx cũng là một khí rất độc. Hơi nước có hàm lượng nhỏ nhưng ảnh hưởng đáng kể đến nhiệt độ ngọn lửa, giới hạn cháy, nhiệt trị thấp và tỷ lệ không khí/nhiên liệu của Biogas.

Nhiên liệu sinh học rắn

Một số loại nhiên liệu sinh học rắn mà các nước đang phát triển sử dụng hàng ngày trong công việc nấu nướng hay sưởi ấm là gỗ, và các loại phân thú khô.

Biến đổi khí hậu

Nhiên liệu sinh học có thể giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu

Lợi ích của việc sản xuất nhiên liệu sinh học

Nhiên liệu sinh học mang đến vô vàn những lợi ích, ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống, công nghiệp, giao thông vận tải,…. Một số lợi ích nổi bật có thể kể đến đó là:

  • Nhiên liệu sinh học có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ, đang cạn kiệt
  • Nhiên liệu sinh học có thể giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu
  • Nhiên liệu sinh học có thể tăng cường an ninh năng lượng quốc gia
  • Nhiên liệu sinh học có thể hình thành sự tham gia của các xí nghiệp nhỏ và vừa (SMEs)
  • Nhiên liệu sinh học có thể đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của các cộng đồng địa phương và các ngành kinh tế đang phát triển

Trước sự cạn kiệt tài nguyên do khai thác quá mức hay tình trạng ô nhiễm môi trường toàn cầu thì năng lượng sinh học chính là xu thế phát triển tất yếu, đặc biệt là những nước nông nghiệp và nhập khẩu nhiên liệu. Trước vô vàn những lợi ích mà nhiên liệu sạch mang lại như: công nghệ sản xuất không quá phức tạp, tận dụng nguyên liệu tại chỗ, không cần thay đổi cấu trúc động cơ, cơ sở hạn tầng, tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp và giá thành cạnh tranh so với xăng dầu. Chính vì thế Việt Nam sẽ ngày càng đẩy mạnh hơn nữa công cuộc phát triển nhiên liệu sạch trong tương lai, thích nghi với xu hướng năng lượng mới của toàn cầu.